

Chuyển đổi năng lượng xanh thúc đẩy xe điện được chính thức thông qua
Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải vừa được phó thủ tướng Lê Văn Thành phê duyệt và ký quyết định thông qua.
1. Mục tiêu chuyển phát thải ròng khí nhà kính về 0
Theo đó, với mục tiêu hướng tới năm 2050 phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh việc phát thải ròng khí nhà kính sẽ về 0, ngành giao thông vận tải đã đề xuất chương trình thúc đẩy xe điện chuyển đổi năng lượng xanh. Chương trình này sẽ được chia làm hai giai đoạn cụ thể.
Giai đoạn từ 2022 đến năm 2030, mục tiêu cần chú trọng là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua đó đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện và năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải. Do đó các lĩnh vực đa có sự sẵn sàng về mặt công nghệ cũng như thể chế và nguồn lực sẽ thực hiện mức cam kết trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) để có thể đặt được những mục tiêu giảm phát thải khí metan của Việt Nam.
Giai đoạn từ năm 2030 đến năm 2050 là thời kỳ hợp lý để phát triển các phương thức vận tải. Thông qua việc thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện và năng lượng xanh góp phần phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2050 sẽ về “0”.
Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh đang là vấn đề được nhiều người quan tâm (Nguồn: bcp.cdnchinhphu.vn)
2. Lộ trình chuyển đổi cho giao thông đường bộ, đường thủy và đường sắt
Riêng đối với giai đoạn chuyển đổi năng lượng xanh từ 2022 – 2030 lộ trình chủ yếu dành cho cả ba loại hình:
Với đường bộ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyển dần sang sử dụng điện. Bên cạnh đó giai đoạn này cũng sẽ mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng như tăng cường phát triển hạ tầng các trạm sạc điện công cộng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân cũng như doanh nghiệp vận tải. Ngoài ra còn khuyến khích các bến xe hay trạm dừng nghỉ chuyển đổi xây dựng theo tiêu chí xanh.
Với đường sắt, giai đoạn này cần nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện sử dụng điện hay năng lượng xanh trên các tuyến đường. Từ việc xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa đến lộ trình thay thế phương tiện đường sắt cũ bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện năng lượng xanh. Ngoài ra cũng sẽ khuyến khích chuyển đổi trang thiết bị bốc, xếp tại các nhà ga sang thiết bị sử dụng điện năng lượng xanh.
Với đường thủy nội địa, chương trình cũng khuyến khích đầu tư chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện năng lượng xanh thông qua đóng mới hoặc nhập khẩu. Cùng với đó có thể nghiên cứu xây dựng các cảng xanh với các tuyến vận tải xanh làm cơ sở xây dựng cơ chế với những chính sách khuyến khích phát triển thí điểm tại một số cảng nội địa.
Sử dụng xe bus điện dự kiến năm 2050 là 100% (Nguồn: Sưu tầm)
Cũng trong giai đoạn gần từ nay đến năm 2025, giao thông đô thị cũng sẽ được chuyển đổi với việc thay thế 100% xe bus điện sử dụng điện năng lượng xanh. Tỷ lệ phục vụ hành khách công cộng dự kiến sẽ triển khai trước ở các thành phố lớn như tại khu vực Hà Nội đạt 45 – 50%, Hải Phòng đạt 10 – 15%, Đà Nẵng 25 – 35%, TP.Hồ Chí Minh đạt 25% và cần Thơ là 20%. Cùng với đó là việc phấn đấu tỷ lệ phương tiện sử dụng điện năng lượng xanh sẽ đạt tối thiểu 50% và các taxi điện sẽ chiếm 100% từ năm 2030 trở đi. Và đến năm 2050, xe bus và taxi sử dụng năng lượng điện tại Việt Nam sẽ là 100%, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt đạt ít nhất 40% và đô thị loại 1 đạt 10%.
Với định hướng lộ trình và mục tiêu chuyển đổi rõ ràng, chương trình hành động của ngành giao thông vận tải không chỉ hứa hẹn định hướng tạo ra thói quen di chuyển mới cho người dân mà còn góp phần tạo dựng không gian sống xanh bắt kịp xu hướng mới của toàn cầu cần được ưu tiên đẩy mạnh.